TỔNG QUAN

       Trung tâm Y tế huyện Núi Thành được thành lập theo Quyết định số 4587/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Núi Thành, kể từ ngày 01/01/2009.

         I. Vị trí pháp lý

        1. Trung tâm Y tế huyện Núi Thành là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

        2. Trung tâm Y tế huyện Núi Thành chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của các đơn vị y tế, dân số tuyến tỉnh, Trung ương và chịu sự quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành theo quy định của pháp luật.

       II. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

       1. Chức năng Trung tâm Y tế huyện Núi Thành có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

       2. Nhiệm vụ, quyền hạn

       Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2021/TT-BYT ngày 27/5/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

       Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do UBND huyện Núi Thành và Sở Y tế giao.

       III. Tổ chức bộ máy

       1. Lãnh đạo

Trung tâm Y tế huyện Núi Thành có 01 Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc theo quy định của pháp luật.

       2. Các phòng chức năng (02 phòng)

       – Phòng Tổ chức – Hành chính và Tài chính – Kế toán.

       – Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ – Dân số – Truyền thông và Giáo dục sức khỏe.

       3. Các khoa, phòng chuyên môn (03 khoa, phòng)

       – Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS – Y tế công cộng – An toàn vệ sinh thực phẩm.

       – Phòng Khám đa khoa – Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng – Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

       – Khoa Dược – Trang thiết bị – Vật tư y tế – Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh.

       Các Trạm Y tế xã, thị trấn (17 Trạm Y tế)

       – Trạm Y tế thị trấn Núi Thành.

       – Trạm Y tế xã Tam Anh Bắc.

       – Trạm Y tế xã Tam Anh Nam.

       – Trạm Y tế xã Tam Giang.

       – Trạm Y tế xã Tam Hải.

       – Trạm Y tế xã Tam Hiệp.

       – Trạm Y tế xã Tam Hòa.

       – Trạm Y tế xã Tam Mỹ Đông.

       – Trạm Y tế xã Tam Mỹ Tây.

       – Trạm Y tế xã Tam Nghĩa.

       – Trạm Y tế xã Tam Quang.

       – Trạm Y tế xã Tam Sơn.

       – Trạm Y tế xã Tam Thạnh.

       – Trạm Y tế xã Tam Tiến.

       – Trạm Y tế xã Tam Trà.

       – Trạm Y tế xã Tam Xuân I.

       – Trạm Y tế xã Tam Xuân II.

       IV. Nhiệm vụ của Khoa, Phòng

       1. Phòng Tổ chức – Hành chính và Tài chính – Kế toán

       a. Bộ phận Tổ chức – Hành chính

       Đầu mối giúp Giám đốc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động: Tổ chức bộ máy; quản lý nhân lực; bảo vệ chính trị nội bộ; tài sản, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc của Trung tâm; hành chính, quản trị, văn thư, lưu trữ.

       Tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị, tập huấn của Trung tâm.

       Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       b. Bộ phận Tài chính – Kế toán

       Đầu mối giúp Giám đốc Trung tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động: Quản lý tài chính; dự toán, sử dụng ngân sách; cấp phát kinh phí theo dự toán đã được phê duyệt; tổ chức thu phí, giá dịch vụ y tế; chi trả lương, phụ cấp cho người lao động thuộc Trung tâm; quyết toán tài chính theo quy định của pháp luật.

Phối hợp xây dựng kế hoạch và triển khai, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án trong và ngoài nước; tài sản, thuốc, vật tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; đào tạo, đào tạo, hội thảo, hội nghị;. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       2. Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ – Dân số – Truyền thông và Giáo dục sức khỏe

       a. Bộ phận Kế hoạch Nghiệp vụ

       Đầu mối giúp Giám đốc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động: Kế hoạch định kỳ, đột xuất; kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ; chỉ đạo tuyến; nghiên cứu khoa học; thu thập, phân tích, tổng hợp, lưu trữ và quản lý các thông tin, dữ liệu liên quan theo quy định của ngành; chương trình, dự án; hội nghị, hội thảo chuyên môn. Thực hiện công tác giám định, liên thông hồ sơ khám chữa bệnh BHYT.

       Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       b. Bộ phận Dân số

       Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, phổ biến các sản phẩm truyền thông về dân số theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

       Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ các hoạt động về dân số và phát triển. Tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các kết quả nghiên cứu và tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực dân số và phát triển.

       Quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu  Y tế – Dân số.

       Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo chuyên ngành dân số theo quy định hiện hành. Thu thập, cập nhật thông tin biến động về dân số vào Kho dữ liệu điện tử theo hướng dẫn của cấp trên; quản lý và khai thác sử dụng thông tin về dân số theo quy định của pháp luật;

       Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Trung tâm giao.

       c. Bộ phận Truyền thông và Giáo dục sức khỏe

       Tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động về công tác Truyền thông Giáo dục sức khỏe. Biên tập tin, bài, phóng sự và các tài liệu truyền thông, các hoạt động truyền thông tại đơn vị cũng như các hoạt động truyền thông của ngành.

       3. Khoa Kiểm soát bệnh tật – HIV/AIDS – ATVSTP – YTCC

       Đầu mối giúp Giám đốc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác y tế dự phòng trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống HIV/AIDS; chăm sóc SKSS và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; phòng, chống bệnh xã hội, tai nạn thương tích, sức khoẻ lao động và bệnh nghề nghiệp, sức khỏe môi trường, y tế trường học, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm… trên địa bàn huyện.

       Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu y tế, các dự án liên quan về y tế dự phòng; phòng, chống bệnh xã hội, HIV/AIDS trên địa bàn.

       Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cộng đồng cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn; điều tra và triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm theo quy định. Phối hợp thực hiện các hoạt động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu y tế, các dự án liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

       Giám sát vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, điều kiện môi trường lao động, điều kiện môi trường trường học; theo dõi đánh giá chất lượng và hiệu quả thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định về chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở, cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

       Thực hiện an toàn lao động, xây dựng nội quy bảo hộ lao động.

       Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       4. Khoa Dược – Trang thiết bị – Vật tư y tế – Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh

       a. Bộ phận Dược – Trang thiết bị – Vật tư y tế

       Đầu mối giúp Giám đốc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn về tác Dược theo quy định của Thông tư Số 22/TT-BYT của Bộ trưởng Y tế.

       Là thành viên Hội đồng thuốc và điều trị, tham mưu cho Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thuốc và điều trị về lựa chọn thuốc sử dụng trong đơn vị, làm đầu mối công tác đấu thầu thuốc; kiểm tra, giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng thuốc và nâng cao chất lượng điều trị;

       Căn cứ vào kế hoạch chung của Trung tâm, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc cung ứng, bảo quản và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư trang thiết bị y tế.

       Tổ chức thực hiện việc nhập, xuất, thống kê báo cáo; phối hợp với bộ phận Tài chính – Kế toán thanh quyết toán; theo dõi, quản lý kinh phí sử dụng thuốc đảm bảo, chính xác theo đúng các quy định hiện hành.

       Thông tin tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho cán bộ y tế.

       Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       b. Bộ phận Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh

       Lập kế hoạch hoạt động, xây dựng nội quy, quy định vận hành thiết bị. Kiểm tra đôn đốc thực hiện quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị trong kho.

        Thực hiện các xét nghiệm thường quy phục vụ công tác khám chữa bệnh ngoại trú và ghi vào sổ lưu.

      Xét nghiệm Lao, HIV theo chương trình lao, chương trình HIV; lấy và vận chuyển mẫu theo yêu cầu của chương trình phòng chống dịch bệnh.

       Thực hiện việc quản lý và sử dụng hóa chất theo đúng quy chế sử dụng thuốc và sử dụng vật tư, thiết bị y tế đúng quy định.

       Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       5. Phòng Khám đa khoa Y học cổ truyền Phục hồi chức năng Chăm sóc sức khỏe sinh sản

       Căn cứ theo Quyết định số 1327/2002/QĐ-BYT ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Tiêu chuẩn thiết kế, phòng khám đa khoa Trung tâm thực hiện các nhiệm vụ:

       – Tổ chức, tiếp nhận và khám bệnh cho người bệnh đến khám.

       – Chỉ định điều trị thích hợp sau khi thăm khám xác định mức độ bệnh, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú và theo dõi tuyến y tế xã, thị trấn hoặc hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú.

       – Tổ chức dây chuyền khám sức khỏe theo nhiệm vụ được giao.

       – Tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ đảm bảo việc chăm sóc người bệnh.

       – Báo cáo hàng ngày, tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và báo cáo đột xuất khi lãnh đạo yêu cầu; bảo quản hồ sơ khám bệnh, điều trị ngoại trú theo chuyên khoa.

       – Quản lý các chỉ số về chăm sóc sức khỏe sinh sản và đánh giá thực trạng sức khỏe sinh sản trong địa bàn; giám sát và hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật với y tế tuyến xã thực hiện theo hướng dẫn Quốc gia về cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản; cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường sinh dục; triển khai thực hiện chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, các dự án về chăm sóc sức khoẻ sinh sản; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn; Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc phân công.

       6. Trạm Y tế xã, thị trấn

       Trạm Y tế có trách nhiệm giúp Giám đốc TTYT, Chủ tịch UBND xã, thị trấn thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác y tế, dân số trên địa bàn.

       Trạm Y tế chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Giám đốc TYT về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí và nhân lực y tế; chịu sự quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tham gia vào các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

       Chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế: Thực hiện theo Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

       Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Giám đốc TTYT và UBND cấp xã giao.

       V. Nguyên tắc làm việc

       1. TTYT làm việc theo chế độ thủ trưởng, mọi hoạt động của TTYT phải tuân thủ theo qui định pháp luật hiện hành và theo Quy chế này. Giám đốc là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của TTYT.

       2. Mọi hoạt động của TTYT phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định và bảo đảm quyền, lợi ích của tập thể, VCNLĐ.

       3. Trong phân công giải quyết công việc Trưởng các Khoa, Phòng, Trạm Y tế được giao công việc phải chịu trách nhiệm về kết quả và tiến độ công việc được phân công. VCNLĐ khi được giao nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chương trình công tác và kế hoạch hoạt động; giải quyết công việc đúng thấm quyền và phạm vi trách nhiệm; tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc.

       4. Giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế làm việc của cơ quan; thường xuyên cải cách thủ tục hành chính bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

       5. Phát huy tốt nhất năng lực, sở trường, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đánh giá cán bộ lấy hiệu quả công việc là chính.