Cá nóc tuy nhỏ bé nhưng độ nguy hiểm của loài cá này được xếp hạng cao trong bảng những loài động vật độc nhất trên thế giới. Mặc dù ngộ độc cá nóc rất nguy hiểm nhưng người dân vẫn bất chấp rủi ro để sử dụng cá nóc.
- Cá nóc độc như thế nào?
Cá nóc thuộc bộ cá nóc có đến hơn 120 loài khác nhau trên toàn thế giới, tại Việt Nam có hơn 66 loài Cá Nóc, tập trung nhiều ở khu vực ven biển Miền Trung. Mùa xuất hiện cá nóc gần như quanh năm nhưng nhiều nhất vào tháng 5-6 và tháng 9-10. Cá nóc được đánh giá là loài có độc tố đứng thứ 2 chỉ sau loài ếch độc phi tiêu vàng.
Độc tố cá nóc có trong nội tạng, da, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là trong trứng cá. Ở mỗi loài cá nóc độc tố thường không giống nhau nhưng nhìn chung đa phần cá nóc đều có độc từ nhẹ đến mạnh. Chất độc bên trong cá nóc là tetrodotoxin, tuy nhiên chất độc này không phải tự nhiên sinh ra từ cá nóc mà được tạo thành bởi các vi khuẩn cộng sinh trên cá. Chất độc trong cá nóc rất đặc biệt, chúng không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi hay các phương pháp chế biến thực phẩm khác như làm khô. Đây là một chất độc thần kinh rất mạnh có thể gây ra tình trạng liệt cơ, suy hô hấp thậm chí là tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Một phương pháp so sánh đơn giản về mức độ độc tính trong cá nóc là tetrodotoxin mạnh gấp 1000 xyanua. Vì vậy nếu không hiểu biết về loài cá này và ăn nhầm chúng thì nguy cơ tử vong rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra chỉ cần 4mg thịt cá nóc lượng độc tố trong đó đã đủ giết một con thỏ, người bình thường chỉ cần từ 1-2mg cũng có thể bị ngộ độc thậm chí là tử vong.
Một số loại cá nóc thường gặp trên địa bàn huyện Núi Thành
Cá nóc nhím Cá nóc bò
- Triệu chứng ngộ độc
Những dấu hiệu sau khi ăn cá nóc bị ngộ độc thường xảy ra ngay sau khi ăn từ 10-45 phút, người bệnh thường có các biểu hiện như tê, ngứa ran vùng miệng, chảy nước dãi, buồn nôn hoặc nôn. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thể gặp một số triệu chứng như:
– Mệt mỏi
– Hoa mắt, chóng mặt
– Mất phản xạ
Các triệu chứng trên sẽ tiến triển nặng hơn sau 4-6 giờ nếu không được đưa đi cấp cứu hoặc có các biện pháp sơ cứu kịp thời, nguy cơ cao người bệnh sẽ tê liệt, mất ý thức, suy hô hấp hoặc tử vong. Hiện nay chưa có thuốc giải độc cá nóc, các biện pháp điều trị chỉ mang tính chất hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể nên nguy cơ tử vong do nhiễm độc nặng vẫn có thể thể xảy ra.
- Phòng, chống ngộ độc thực phẩm do cá nóc
Để phòng, chống ngộ độc cá nóc, Trung tâm Y tế huyện Núi Thành khuyến cáo người dân: Tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thức ăn; loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt; kiểm tra kỹ xem cá nóc có bị lẫn vào cá thường hay không khi đánh bắt hoặc phơi cá khô; không chế biến, kinh doanh cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc.
Khi có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc do cá nóc phải sơ cứu ngay bằng cách gây nôn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Khoa KSBT&HIV/AIDS-YTCC-ATVSTP.