Theo báo cáo của khoa Kiểm soát bệnh tật & HIV/AIDS-YTCC-ATVSTP Trung tâm Y tế huyện Núi Thành, số ca mắt bệnh trên địa bàn huyện từ đầu tháng 09 cho đến nay khoảng 4.119 ca (trong đó 85% trẻ ở tuổi đi học (3534 ca), số còn lại là người lớn), Các địa phương có ca mắt nhiều như Tam xuân II: 773 ca, Tam Hoà: 458, Tam Xuân I: 454; đáng lưu ý là số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng nhanh.
Thực tế có nhiều bệnh nhân từ khi tiếp xúc dịch tiết của người bệnh đau mắt đỏ đến ủ bệnh và phát bệnh chỉ mất khoảng 2-3 ngày. Khi có dấu hiệu khởi phát như cộm, xốn, chảy nước mắt, mi mắt sưng nhẹ… thì mất 1-2 tiếng đồng hồ mắt sẽ biểu hiện gần đầy đủ các triệu chứng.
“Nếu một gia đình có người bị đau mắt đỏ trong thời điểm hiện nay, khả năng rất cao các thành viên còn lại cũng bị. Nếu phòng ngừa đúng, người bệnh được điều trị kịp thời thì bệnh nhanh khỏi, ít có biến chứng”.
Theo nhận định thời tiết hiện nay, độ ẩm không khí cao trong những ngày qua tại địa bàn huyện là một trong những nguyên nhân khiến các tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ “trỗi dậy”, bên cạnh môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt…
Chính vì vậy, hiện nay đang trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh, các Bác sĩ khuyên bà con nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Về phía ngành Y tế, ngay từ đầu năm học 2023-2024, khi được thông tin nhiều học sinh mắt bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các Trạm Y tế đã phối hợp với Ban Giám Hiệu các Trường và Ban Nhân dân các thôn, khối phố trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ, cách phòng bệnh và chữa bệnh.Với sự phối hợp một cách chủ động, tích cực giữa các cấp, các ngành, cũng như sự quan tâm của nhân dân trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, tin chắc rằng bệnh đau mắt đỏ tại địa bàn huyện sớm được khống chế, hạn chế tối đa sự lây lan, bùng phát trên diện rộng.