10 NGUYÊN TẮC VÀNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, tính đến thời điểm tháng 5/2024, cả nước đã xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 2138 người mắc, 06 người tử vong. Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật, 2 vụ do hóa chất, 6 vụ do độc tố tự nhiên, 17 vụ không xác định được nguyên nhân. Một số vụ ngộ độc thực phẩm nổi cộm trong thời gian vừa qua như:

– Tại Sóc Trăng: Hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà, ngày 24/01/2024, 150 người mắc và đi viện. Nguyên nhân: vi sinh vật (Salmonella trong thịt nguội).

– Tại Khánh Hòa: Quán cơm gà Trâm Anh, ngày 11/3/2024, 369 người mắc và đi viện. Nguyên nhân: vi sinh vật (Salmonella trong các món gà).

– Tại Đồng Nai: Tiệm bánh mì Cô Băng, ngày 30/4/2024, 547 người mắc và đi viện. Nguyên nhân: vi sinh vật (Salmonella trong thịt heo đã qua chế biến, chả lụa).

– Tại Vĩnh Phúc: Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, ngày 14/5/2024, 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân: đang chờ kết quả.

– Tại Đồng Nai: Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Dechang Việt Nam, ngày 15/5/2024, 95 người mắc và đi viện. Nguyên nhân: vi sinh vật (Staphylococus aureus trong Mì Quảng).

Hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật nguyên nhân chủ yếu là do quá trình bảo quản thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm chưa đúng theo quy định tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (đặc biệt là trong tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay); sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn để chế biến thực phẩm; thực hành vệ sinh cá nhân chưa tốt, quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo…

Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân, cho gia đình, Trung tâm Y tế huyện Núi Thành khuyến cáo người tiêu dùng tuân thủ 10 nguyên tắc vàng của Tổ chức y tế thế giới WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.

6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác.Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh.

Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Nguồn: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Lượt xem: 178

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *